Vụ Mùa năm 2024, diện tích lúa toàn tỉnh 48.400 ha, trong đó trà mùa sớm 16.940 ha đang ở giai đoạn đòng, sẽ trỗ tập trung từ cuối tháng 8; trà mùa chính vụ 26.620 ha, đang ở giai đoạn đẻ nhánh - đứng cái, sẽ trỗ tập trung từ đầu tháng 9 trở đi; trà mùa muộn 4.840 ha đang giai đoạn đẻ nhánh. Thời tiết trong thời gian qua liên tục có các đợt mưa rào, ngày nắng nóng đây chính là điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng sâu bệnh phát sinh, gây hại trên lúa Mùa.
Theo kết quả điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hiện nay sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 đang phát sinh và gây hại; bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn gây hại cục bộ tại các huyện như: Tân Yên, Yên Thế, Yên Dũng và thị xã Việt Yên... Dự báo trong thời gian tới các đối tượng sâu bệnh sẽ tiếp tục phát sinh và gây hại nặng, đặc biệt sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 sẽ nở tập trung từ ngày 10/8 trở đi với mật độ rất cao; tập đoàn rầy sẽ nở tập trung từ giữa tháng 8 trở đi; bệnh đốm sọc vi khuẩn, bạc lá gây hại trên những ruộng lúa bón thừa đạm, giống lúa nhiễm bệnh sau đợt mưa, dông; nếu không phát hiện và phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh gây hại sẽ làm ảnh hưởng lớn đến năng suất, sản lượng lúa vụ Mùa trên toàn tỉnh.
Hình ảnh thăm đồng tại huyện Tân Yên
Để chỉ đạo phòng trừ kịp thời, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra đối với sản xuất lúa Mùa năm 2024, đề nghị bà con nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng để có các biện pháp phòng trừ sâu bệnh sau:
- Đối với sâu cuốn lá nhỏ: Phun phòng trừ khi sâu non xuất hiện với mật độ từ 20 con/m2 trở lên đối với trà lúa giai đoạn đòng - trỗ; từ 50 con/m2 trở lên đối với trà lúa giai đoạn lúa đẻ nhánh - đứng cái; thời gian phun phòng trừ tập trung từ ngày 10-20/8; đối với những ruộng mật độ sâu non cao, sâu nở kéo dài, phun xong gặp mưa hoặc phun lần 1 nhưng chưa hiệu quả cần phun kép lần 2 để đảm bảo hiệu quả phòng trừ (lưu ý: Căn cứ tùy theo điều kiện sinh trưởng lúa của các trà lúa, thời gian sâu non nở ở từng địa phương để lựa chọn thời điểm phòng trừ phù hợp)
- Đối với tập đoàn rầy: Chủ động phòng trừ ngay sau khi rầy cám nở rộ, đối với những ruộng có mật độ từ 1.500 con/m2 trở lên bằng các loại thuốc đặc hiệu, đảm bảo nguyên tắc 4 đúng.
- Đối với bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Tập trung phòng trừ ngay khi xuất hiện bệnh để hạn chế sự lây lan bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật đặc hiệu; ngừng bón phân đạm và không phun phân bón lá đối với những ruộng đang bị nhiễm bệnh, đồng thời điều chỉnh mực nước trong ruộng từ 3-5 cm để tăng hiệu quả phòng trừ.
Ngoài ra, bà con cần tiếp tục theo dõi và chỉ đạo phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh hại khác như: Sâu đục thân 2 chấm, tập đoàn rầy, bệnh đen lép hạt, đạo ôn, nhện gié, khô vằn, chuột... và cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc để cây trồng sinh trưởng phát triển tốt như: Điều tiết nước hợp lý, bón phân cân đối, tăng cường bón kali ở giai đoạn đòng - trỗ để tăng khả năng chống chịu sâu bệnh và tăng năng suất lúa.